NSND Ngọc Giàu tâm sự về bài học đúc kết được từ vai diễn trong “Đời cô Lựu”

1489

Đảm nhiệm hai vai diễn trong vở cải lương “Đời cô Lựu”, NSND cải lương xưa Ngọc Giàu đã đúc kết cho mình những bài học quý giá để theo nghề trong suốt mấy mươi năm qua.
Trong chương trình giao lưu nhân ngày Phụ nữ Việt Nam tổ chức tại Đài truyền hình HTV vừa qua, NSND Ngọc Giàu đã có buổi giao lưu, tâm sự với các khán giả về bài học lớn mà mình đúc kết được từ hai vai diễn Bà Hai Hương và ông Bảy Cán Vá trong vở cải lương “Đời cô lựu”.

NSND Ngọc Giàu trong buổi giao lưu, chia sẻ

NSND Ngọc Giàu quan niệm nhân vật trong vở kịch chính là tấm gương giúp người nghệ sĩ soi rọi mỗi đêm diễn trước công chúng. Thông qua nhân vật, người nghệ sĩ có thể đúc kết nên những bài học cuộc sống, khắc phục khuyết điểm của bản thân
Một đời nghệ sĩ có hàng trăm lần đứng trước gương nhưng để nhìn thấy và khắc phục những khuyết điểm của bản thân không phải chuyện một sớm, một chiều. Bài học từ nhân vật mang lại cho người nghệ sĩ những trăn trở, suy tư về cách thâm nhập cũng như đúc kết những kinh nghiệm sống.” – NSND Ngọc Giàu nhấn mạnh.
Từ nhân vật bà Hai Hương, NSND Ngọc Giàu đã rút ra cho mình một bài học sâu sắc: “Gieo hạt lành sẽ gặt trái ngọt”.

NSND Ngọc Giàu và NSND Lệ Thủy trong vở cải lương “Đời cô Lựu

Bên cạnh đó, bà cũng đề cao tác giả Trần Hữu Trang khi nhấn mạnh đến nhân tố tích cực của giai cấp vô sản, đó là vùng lên đòi quyền tự chủ, đề cao tinh thần đấu tranh chống cường hào, ác bá và dã tâm của bọn chủ điền.
Chúng đã cướp vợ, giết con của người tá điền. Tôi cũng học ở cô Bảy Cán Vá sự lạc quan, yêu đời trong cuộc sống. Tuy là thân phận ở đợ nhưng vẫn biết giữ thể diện. Bi kịch của hai người phụ nữ trong chế độ thực dân phong kiến là cô Lựu và Kim Anh là bi kịch của những người phụ nữ chịu nhiều áp bức và cuối cùng đã đứng lên, đương đầu với cái ác.
Tôi biết ơn và tri ân tác giả Trần Hữu Trang, ông đã để lại cho đời hai kịch bản đề cao giá trị của người phụ nữ trong cuộc sống, đó là “Đời cô Lựu” và “Tô Ánh Nguyệt” – NSND Ngọc Giàu tâm sự.
Bên cạnh đó, NSND Ngọc Giàu cũng chia sẻ cơ duyên đã đưa mình đến với hai vai diễn để đời trong sự nghiệp sân khấu. Theo lời NSND Ngọc Giàu, ngày xưa lúc chọn diễn viên cho chuyến lưu diễn 5 nước Tây Âu vào tháng 2/1984, vì thiếu diễn viên nên bà may mắn được chọn đóng 2 vai nên vô cùng sung sướng.

NSND Ngọc Giàu trong vai diễn Bảy Cán Vá

Ban đầu trong kịch bản của tác giả Trần Hữu Trang là nhân vật ông Hai Hương do NSND Ba Vân đóng, trong vở còn có bà vợ do NS Tố Nữ đóng.
Nhưng để đủ lực lượng cho chuyến đi, đạo diễn NSND Huỳnh Nga đã đề nghị với má bảy NSND Phùng Há – thời đó má làm cố vấn nghệ thuật của đoàn, thay nhân vật nam thành nhân vật nữ. Thế là tôi vào vai bà Hai Hương. Còn vai cô Bảy Cán Vá do tôi nghĩ ra, khi vai nàng osin của gia đình Kim Anh có thêm một cô bé giúp việc dù tật nguyền nhưng tinh thần lạc quan.” – NSND Ngọc Giàu kể lại.
“Đời cô Lựu” là vở cải lương nổi tiếng của sân khấu Việt Nam, ra đời vào năm 1930. “Đời cô Lựu” kể về cô Lựu, vợ của Hai Thành, một tá điền của Hội đồng Thăng. Cô Lựu lúc này đang mang thai, nhưng vì có nhan sắc nên bị ông Hội đồng lập mưu đưa Hai Thành vào tù và cướp vợ. Sau khi đứa con ra đời, Hội đồng Thăng giấu vào cô nhi viện và nói dối là đã chết. Về sau, cô Lựu sinh Kim Anh – con chung với Hội đồng Thăng.
Đứa con của cô Lựu và Hai Thành được đặt tên là Minh Luân, được một vợ chồng xin làm con nuôi. Sau 20 năm ở tù tại Côn Đảo, ngỡ vợ đã phụ bạc mình, Hai Thành viết thư trao cho Minh Luân tới gặp Lựu, buộc cô phải đưa 10.000 đồng để anh lo cho con học hành, lập nghiệp. Bi kịch tiếp tục diễn ra khi Lựu không có đủ tiền, con gái Kim Anh phải lén bán tư trang lo cho mẹ và anh…

NSND Ngọc Giàu là một trong những cái tên gạo cội của sân khấu cải lương Việt Nam