NSND Minh Vương Hồi Sinh Nhờ Được Hiến Thận

1500

Nhắc lại câu chuyện về NSND Minh Vương được một người đàn ông 38t hiến tặng một quả thận khi qua đời do tai nạn giao thông, hành động ý nghĩa và nhân đạo này đã giúp cho NSND Minh Vương hồi phục sức khỏe nhanh chóng.

Gặp NSND Minh Vương, ông lúc nào cũng nói mình khỏe re. Mà kỳ thực ông khỏe ra thật. Trên 60 tuổi, ông như một cành cây khô được hồi sinh, mỗi ngày đâm thêm những chồi mới. Ông nhớ lại: “Hồi còn khỏe có cảm giác như nắm cả giang sơn, lúc bệnh rồi thì đến ánh mặt trời cũng không sao nhìn thấy được. Ngày biết bệnh, nằm bẹp dúm ở gường, tôi nghĩ rằng đời mình đã hết”. Mà lạ thay, ông kể có nhiều đêm mơ màng trong giấc ngủ, nghe tiếng “ơn trên” bảo không muốn để ông xa sân khấu nên cho sống tiếp.

nsut minh vương trượt danh hiệu nsnd

Kỳ lạ hơn là sau đó ông được một cậu thanh niên hiến tạng (thận) khi qua đời vì tai nạn. “Ngày rời phòng mổ, bác sĩ chỉ nói rằng giờ tôi là Minh Vương thứ 2. Tôi thấy mình khỏe lại, trẻ hẳn ra như mới ba mấy tuổi, thấy cuộc đời này đáng sống lắm! Không biết kiếp trước tôi ăn ở làm sao mà kiếp này Tổ đãi nhiều vậy. Hơn 50 năm khóc cười trên sân khấu, với nhiều éo le, ngang trái, có lúc tôi thấy nghiệp bạc với mình nhưng hóa ra đâu phải vậy!” – ông ngẫm nghĩ.

Bao năm qua kể từ ngày được thay thận, ông sống vui vẻ lạc quan hơn. Có ai hỏi Minh Vương bao nhiêu tuổi, ông vẫn khoe mình mới 38 thôi. Ừ thì quả thận của cậu thanh niên 38 tuổi vẫn sống trong ông như một phần cơ thể. Ông bảo mình còn hát được, lên câu vọng cổ được là nhờ quả thận được tặng.

Cái năm nghe tin ông thoát khỏi cửa tử tôi vẫn chưa hiểu gì hết về hiến tạng. Chỉ là khi gặp ông, nghe ông kể, thấy sự hồi sinh kỳ diệu trong ông mà lòng dâng trào ngưỡng mộ chàng trai lạ kia. Rồi cho tới khi cầm trên tay cái thẻ hiến tạng mang tên mình, tôi mới thấy quá thiêng liêng. Minh Vương hay hàng ngàn người khác hiện vẫn đang sống và mang trong mình những quả tim, quả thận, lá gan, ánh mắt của người đã ra đi, nhưng để lại một tình yêu thật đẹp

NSND Minh Vương hồi sinh nhờ được hiến tặng thận

Nói một chút về NSƯT Minh Vương, trước khi gặp ông, tôi tự nhủ lòng mình phải gạt bỏ ra khỏi đầu hết những tư liệu đã biết về cuộc đời ông qua báo chí, chỉ mang theo ký ức của một đứa trẻ năm nào còn thắp bã mía băng qua mấy cánh đồng heo hút để xem ông hát trong mấy băng cải lương, từ cái hồi còn xem lại Minh Luân trong Đời cô Lựu hay Minh trong Tô Ánh Nguyệt. Có như vậy, tôi mới tìm được cho mình “một thứ tình cảm khác biệt” khi cầm bút viết về ông.

Có một thời, cũng mấy chục năm rồi, báo chí viết về NSƯT Minh Vương đủ để mở một triển lãm. Nói nghe chơi vậy mà mới ghé nhà NSƯT Minh Vương gần đây, thấy ông làm thiệt. Những bài báo từ cũ đến mới đều được ông nhờ cô con gái mang đi in thành khổ lớn nhỏ khác nhau, bỏ vào khung kiếng, treo riêng một góc nhà. Chưa hết, những bức ảnh chụp trên các bìa tạp chí, hình cùng bạn bè đi diễn tứ xứ và cả hình gia đình cũng được ông sưu tập lại, nâng niu như một báu vật. NSƯT Minh Vương làm công việc này mới đây thôi, chính xác là lúc ông khỏe lại sau ca ghép thận thành công diệu kỳ.

Những năm đầu thập niên 1980, thời cải lương hưng thịnh, tên tuổi Minh Vương được ca ngợi cao vút. Nói đến Minh Vương ai ai cũng hâm mộ, thán phục. Khán giả cải lương đã mê ai rồi là mê chết mệt. Khán giả miền Tây hay tự xưng là “má với con”, có khi má mới 50 mà con đã 55 rồi cũng kệ. Ông còn nhớ có lần đi hát ở miền Tây, bà má cứ khăng khăng hỏi cho bằng được: “Con ăn cái giống gì mà ca hay quá vậy?”. “Dạ con cũng ăn cơm ngày 3 bữa như má thôi!” – ông trả lời. “Bậy nè, má cũng ăn vậy mà sao ca dở như nồi cơm khét”. Vậy đó! Thương lắm! Nghe kể có khán giả ở vùng sâu vùng xa, chỉ được xem Minh Vương qua các băng cải lương, mạnh miệng bảo: “Minh Vương mà về đây diễn, biểu làm gì tôi cũng làm!”. NSƯT Minh Vương mỉm cười: “Khán giả thương mình nhiều quá, mai mốt không biết lấy gì trả cho họ. Giờ tôi ráng làm sao cho thiệt khỏe, ăn cái gì cũng kiêng cử, cứ sợ sức khỏe yếu, tụt hơi, không ca được nữa. Có lẽ ông trời thấy tôi chưa trả hết nợ nên để tôi còn sống. Mà chắc gì kiếp này tôi trả hết, nếu hẹn kiếp sau chắc khán giả cũng không buồn trách gì đâu”.

NSUT Minh Vương có được phong tặng danh hiệu NSND không

Biết tin ông bệnh nặng, khán giả đau buồn, cầu nguyện; biết tin ông khỏe, họ vui mừng chẳng khác nào người thân trong gia đình vượt qua kiếp nạn. Vài ba năm đâu phải là một khoảng thời gian quá dài để người nghệ sĩ rơi vào quên lãng. Bởi vậy, khi có lời mời đi hát, ông lập tức lên đường. Chưa lên sân khấu đã nghe khán giả rỉ tai: “Mong trời Phật phù hộ cho Minh Vương khỏe hoài như thế để hát cho bà con nghe”, Minh Vương nghe mà rưng rưng nước mắt. Sân khấu này ông bước ra bước vào không biết bao nhiêu bận, vậy mà xúc động đến muốn hụt chân.

Người ta hay nghĩ thế này, khi nghe nghệ sĩ ca mấy bài sầu thảm, bi ai thì đinh ninh là đời họ khổ là cái chắc. Hát thê lương đến thế còn gì! Ai thì không biết có đúng không chớ Minh Vương thì đúng thật. Minh Vương hát nghe thảm thì đời ông cũng vậy. Ông đóng vai Minh mà đời ông khổ như… cô Lựu. “Thiệt tình, hồi nhỏ tôi có biết gì đâu. Dòng họ không ai theo nghệ thuật nhưng do mê cải lương nên trong một lần đi vớt lăng quăng ở cầu chữ Y (quận 8), tôi xin vào lớp học của thầy Bảy Trạch, sau đó cứ thế theo nghề” – ông kể.

Minh Vương ca hay không? Hay. Diễn giỏi không? Giỏi. Sáng sân khấu không? Sáng. Vậy thì còn gì hơn nữa. Ông băng qua hết đỉnh cao này đến đỉnh cao khác, được phong là “vua” của sân khấu cải lương.

Người ta nói nghệ sĩ chỉ nên ở lưng chừng thôi, không nên lên đỉnh cao quá cũng không nên ở đáy thấp quá vì đỉnh cao hay gặp gió lớn nhưng NSƯT Minh Vương bảo: “Đâu có được! Làm nghề ai chẳng muốn thành công. Cứ thế mà rèn luyện, học hỏi rồi cái danh nó tới mình đâu có ngăn cản được. Lúc đó, nghĩ thành công là vui rồi chứ đâu lường được sóng gió”.

Ông không biết nói văn hoa nên không biết diễn tả về cuộc đời mình sao cho hay và bóng bẩy. Nhưng đại khái là thành công, danh tiếng cứ đến, có lúc ông tưởng mình là một con đại bàng mặc sức tung cánh ngang trời. Nhưng đại bàng rồi cũng có lúc vấp ngã trên mặt đất. Tôi nhớ mãi ánh mắt ông đăm chiêu nhìn ánh nắng xuyên qua mấy tán cây ngoài lan can, miệng lẩm nhẩm: “Chữ tài liền với chữ tai một vần. Đời tôi vinh quang tột đỉnh mà cũng lắm cay đắng, ê chề. Thuyền càng to thì gió càng lớn. Giữa một nghệ sĩ quần là áo lụa rực rỡ trên sân khấu với một bà má nghèo xơ hằng đêm đốt đèn tới xem tôi diễn, chưa biết ai vui hơn ai. Ở đời, người ngủ trên giường êm chiếu đệm chắc gì đã ngon bằng người ngủ dưới gầm cầu”.

Nguồn bài viết: https://www.facebook.com/nga.minh.96/posts/2000833210057285