Nhìn Lại 12 “Ông Vua, Bà Hoàng” Của Làng Cải Lương Việt Nam [Phần 2]

8305

Vừa rồi, Nghecailuong đã giới thiệu đến các bạn 6 nghệ sĩ cải lương gạo cội của làng cải lương Việt, tiếp theo đây là 6 “ông vua, bà hoàng” đình đám một thời mà người mê cải lương không thể không biết.

>>> Nhìn Lại 12 “Ông Vua, Bà Hoàng” Của Làng Cải Lương Việt Nam [Phần 1]

>>> Sân Khấu Cải Lương Thời Nay Và Thực Trạng Khan Hiếm Đào Tính Cách

>>> Nghệ sĩ Minh Vương – Tâm Sự Của “Ông Hoàng Đa Tình” Làng Cải Lương

Nữ hoàng sân khấu Thanh Nga

Từ lúc 10 tuổi, Thanh Nga bắt đầu ca vọng cổ phụ họa và rất thành công trên sân khấu Thanh Minh, do nghệ sĩ Năm Nghĩa – dưỡng phụ của Thanh Nga làm bầu gánh. 

Thanh Nga được khán giả hoan nghênh nhiệt liệt khi mới 8 tuổi, bắt đầu chính thức diễn trên sân khấu qua vai đào con trong các tuồng như Phạm Công Cúc Hoa, Đồ Bàn Di Hận, Lửa hờn…Biệt hiệu “Thần đồng Thanh Nga” có từ giai đoạn này. Rèn luyện cho chín muồi, cô bước vào vai chính đầu tiên lúc 16 tuổi: vai sơn nữ Phà Ca trong tuồng Người vợ không bao giờ cưới…

nữ hoàng sân khấu thanh nga

Nhan sắc mặn mà của nghệ sĩ Thanh Nga

Thanh Nga là nữ nghệ sĩ vừa có sắc, vừa có tài. Vẻ đẹp của cô có thể trở nên mong manh, yếu đuối qua những thân phận hiền thục, nhưng nó có thể nhanh chóng thay đổi sắc sảo, mạnh mẽ nếu như Thanh Nga nhập vai một gái giang hồ. Chính vì vậy, khán giả mến mộ đã dành tặng cho bà danh hiệu “Nữ hoàng sân khấu”.

Vua không ngai Thành Được

Chất giọng của Thành Được rất ngọt, một cái ngọt đầm thắm. Giọng nói của anh, dĩ nhiên dân cải lương là phải Nam Bộ, nghe sang trọng, trí thức. Nhờ cái giọng nói này mà những vai diễn trong các tuồng xã hội, anh đóng rất tới như vai Lĩnh Nam trong Sân Khấu Về Khuya. Tuy vậy cái vai tướng cướp Thy Đằng vẫn là độc đáo nhất, là đỉnh cao trong sự nghiệp ca diễn cải lương. Chính anh cũng tự nhận là với vai này, không có đối thủ. 

vua không ngai thành được

Nghệ sĩ Thành Được chụp ảnh bên cạnh người đẹp Út Bạch Lan

Thành Được là một trong những nghệ sĩ cải lương thành công nhất ở Sài Gòn trước năm 1975. Ông là nghệ sĩ cải lương đầu tiên tậu xe hơi, dám thuê máy bay từ Sài Gòn đi Buôn Ma Thuột để hát. Do đó Thành Được được phong là “vua không ngai” ở Sài Gòn. 

Nữ hoàng kiếm hiệp – Nữ hoàng Tân cổ giao duyên Mỹ Châu

Mỹ Châu có những vai để đời trong nhiều vở cải lương xã hội. Người mộ điệu hầu như không chấp nhận ai khác ngoài Mỹ Châu trong các vai Lan (Tìm lại cuộc đời), Hiếu (Khách sạn hào hoa), Nàng Hai (Nàng hai Bến Nghé) …

Tuy nhiên, khi nhắc đến Mỹ Châu là người ta nghĩ ngay đến danh hiệu “Nữ hoàng kiếm hiệp” bởi cô đã thành công với rất nhiều tuồng thuộc thể loại này: Khi rừng mới sang thu, Tâm sự loài chim biển, Bóng hồng sa mạc, Kiếm sỹ dơi, Sở vân cứu vợ, Tiêu Anh Phụng…

nữ hoàng tân cổ giao duyên mỹ châu

Nữ hoàng kiếm hiệp – nữ hoàng tân cổ giao duyên Mỹ Châu

Mỹ Châu còn sở hữu một giọng ca và phong cách khá “lạ” . Bà có giọng đồng pha kim, trong đó đồng nhiều kim ít. Bởi thế, giọng của Mỹ Châu trầm. Nhưng cái đáng nói là, Mỹ Châu không có làn hơi dồi dào, nên khi ca giọng Mỹ Châu có vẻ trầm hơn mức bình thường.

Trong ca vọng cổ, để ca hay, người nghệ sỹ đòi hỏi phải có chất giọng trời cho, làn hơi dồi dào. Mỹ Châu chỉ có chất giọng trời ban mà thiếu làn hơi dồi dào. Thế mà, chính từ cái thiếu đó Mỹ Châu đã làm nên chuyện. Mỹ Châu đã thành công khi tạo được cái riêng độc nhất của mình.

>>> Cải Lương Xưa – Lời Thơ Trên Tuyết – Mỹ Châu & Minh Cảnh & Minh Vương & Ngân Hà

Nữ hoàng Tân cổ giao duyên Phượng Liên

Tên tuổi của nghệ sĩ Phượng Liên bắt đầu nổi tiếng từ khi bà làm đào chính ở đoàn Kim Chưởng. Thời gian ấy, nghệ sĩ Phượng Liên và nghệ sĩ Dũng Thanh Lâm được xem là cặp diễn nổi tiếng, được xem như một hiện tượng thời đó. Cặp đôi này đã diễn nhiều vở tuồng để đời như Tiếng Hạt Trong Trăng, Quỷ Bảo, Mùa Trăng Và Nước Mắt…Cũng chính từ đó, tên tuổi của Phượng Liên được sánh ngang với các nghệ sĩ nổi tiếng Thanh Nga, Mỹ Châu, Lệ Thủy…

nữ hoàng tân cổ giao duyên Phượng Liên

Nghệ sĩ Phượng Liên thuở còn son trẻ

Thời gian sau này, bà có thêm nhiều vở diễn nổi tiếng như: Lấy Chồng Xứ Lạ, Đời Là 1 Chữ Tê, Lục Vân Tiên Kiều Nguyệt Nga, Đời Cô Lẻ,Ngao Sò Ốc Hến,Lữ Bố Điêu Thuyền…Sau năm 1975, các vở diễn xuất sắc như: Chuyện Cổ Bát Tràng, Nỗi Oan Thị Kính, Qua Cầu Đắng Cay, Sân khấu Về Khuya, Kim Vân Kiều…đặc biệt với vai The trong vở “Nửa Đời Hương Phấn”, bà đã làm biết bao nhiều người hâm mộ phải thổn thức và được phong tặng danh hiệu nữ hoàng Tân cổ giao duyên.

>>> MINH CẢNH, PHƯỢNG LIÊN || Tuyển Tập Tân Cổ Giao Duyên, Trích Đoạn Cải Lương Xưa Hay Nhất Trước 1975

Hoàng đế đĩa nhựa Tấn Tài

Nghệ sĩ Tấn Tài được mệnh danh là “Hoàng đế đĩa nhựa” thập niên 60 – 70 vì ông có khoảng 400 bài vọng cổ và 200 tuồng cải lương được thu đĩa phát hành ăn khách. Những năm đó, người người, nhà nhà đều có đĩa của Tấn Tài.

Ông làm thầy giáo dạy học ở trường Thoại Ngọc Hầu nhưng lại mê đờn ca tài tử, năm 1959 trốn theo gánh hát mặc cho người mẹ ngăn cản. Trải qua nhiều đoàn, Tấn Tài đều đóng kép chánh, nhưng đến đoàn Thủ Đô thì ông mới thành công tuyệt đỉnh và đoạt giải Thanh Tâm năm 1963.

hoàng đế đĩa nhựa Tấn Tài

Hoàng đế địa nhựa Tấn Tài

Ông có giọng ca ngọt ngào truyền cảm, được Hãng đĩa Việt Nam của cô Sáu Liên ký hợp đồng độc quyền đầu tiên, rồi sau đó các hãng đĩa khác mời chào liên tục. Những “bản ruột” của ông như: Bông ô môi, Xuân trên đất khách, Nhớ vợ hiền… và các tuồng cải lương: Bóng hồng sa mạc, An Lộc Sơn, Chiều đông gió lạnh về… đến nay vẫn làm xao xuyến khán giả mộ điệu.

Nữ hoàng hồ quảng Phượng Mai

Nếu nói về Cải Lương Hồ Quảng mà không nhắc đến Phượng Mai, đó có lẽ là một thiếu sót vô cùng lớn. Vào vai “đào thương” thì khiến cho khán giả khóc, nhập vai “đào võ” thì cống hiến cho khán giả những màn võ thuật đẹp mắt… Vai nào cũng đẹp, vai nào diễn cũng rất tròn.

nữ hoàng hò quảng Phượng Mai

Nữ hoàng hồ quảng Phượng Mai

Trong số đông nghệ sĩ tuồng cổ (hát hội, hát bội pha cải lương, hồ quảng), có những người thường giỏi về vũ đạo mà yếu và ca, hơi khan hoặc tiếng hát rè rè. Nhưng riêng Phượng Mai là cô đào hiếm hoi hội đủ hai yếu tố: ca và diển xuất sắc.

Giọng Phượng Mai ấm áp, ngọt ngào, truyền cảm, có hơi thổ như giọng ca của Thanh Nga, Mỹ Châu. Phượng Mai ca cổ nhạc theo điệu cải lương rất chuẩn mực, đúng bài bản, đúng điệu, theo đúng chân truyền, ca Hồ Quảng cũng rất hay, rõ lời. Có lẽ cũng chính vì vậy mà bà được nhiều người mến mộ phong tặng danh hiệu Nữ hoàng hồ quảng.

Đừng quên truy cập website nghecailuong.com mỗi ngày để xem các tin tức nghệ sĩ cải lương mới nhất nhé.