Với sự lên ngôi của các chương trình hài, ca nhạc, đất diễn dành cho nghệ thuật cải lương xưa ngày càng nhỏ dần. Không còn sàn diễn để trải nghiệm điều thú vị sở trường, nhiều nữ nghệ sĩ sân khấu cải lương vẫn mãi miết đi tìm cơ hội vào các vai đào chính.
Đạo diễn Hữu Luân từng khẳng định: “ Kho tàng vai diễn đào tính cách của sân khấu cải lương là rất lớn. Đó sẽ là bài học giá trị về hiệu quả lao động nghệ thuật của thế hệ đi trước để các nữ diễn viên trẻ học tập và sáng tạo nhằm mang lại cho sàn diễn nhiều vai diễn hay trong tương lai.”
Tuy nhiên, với việc các chương trình hài, âm nhạc ngày càng đánh chiếm rộng rãi trên các phương tiện truyền thông, cải lương đã không còn đứng trên đỉnh cao như những thập kỷ trước. Chính vì vậy để có được vai diễn hay đã khó chứ chưa bàn đến việc đào độc, đào tính cách… Không có nhiều cơ hội để thử, thế nên nhiều nữ nghệ sĩ đành phải mải miết đi tìm các vai đào chính.
Thực trạng khang hiếm đào tính cách của cải lương việt
Các nghệ sĩ cải lương nữ hiện nay mãi chạy đi tìm các vai đào chính khiến cho các nhân vật đào tính cách bị lãng quên
Trước thực trạng đó, nhiều người đặt ra câu hỏi: “Phải chăng đào tính cách từng phát triển rực rỡ trong thời kỳ hoàng kim của bộ môn nghệ thuật này giờ chỉ còn là hoài niệm?”
Đào tính cách được hình thành từ việc cấu thành kịch bản cải lương, nơi mà hai nhân vật trung tâm, thường là đào – kép chính, bị tác động bởi những nhân vật vệ tinh, nơi mà những “hỉ, nộ, ái, ố” va chạm để dẫn đến bi kịch. Giới chuyên môn gọi nôm na những vai diễn vệ tinh đó là “dàn bao”.
Từ việc đo ni đóng giày vai diễn cho nghệ sĩ tại gánh hát, soạn giả đã hoạch định kế hoạch lăng- xê các cặp đào – kép chính bên cạnh việc tạo sự thăng hoa cho các nghệ sĩ chuyên trách tuyến “dàn bao”.
Nghệ sĩ Hồng Nga một trong những nữ nghệ sĩ cải lương ghi dấu ấn với nhiều vai đào tính cách
NSND – soạn giả Viễn Châu khẳng định: “Muốn một vở tuồng hay có nhiều xung đột, đẩy cao trào bi hài kịch lên cao phải cần đến kép độc và đào tính cách. Cũng như kép độc, đào tính cách có nhiều loại: lẳng, độc, hề, mụ. Cái hay của mỗi soạn giả là nắm bắt được sở trường của nữ nghệ sĩ để viết thêm cho vai diễn đạt đến dấu ấn về tính cách nhân vật. Ví dụ với Ngọc Giàu, Hồng Nga, Kim Ngọc, soạn giả phải thêm vào phần ca vọng cổ để biến hóa thành “đào độc mùi”, “đào lẳng mùi”, “đào hề mùi”…
Nghĩa là sau phút giây làm cho khán giả cười, căm hận thì có một chút mủi lòng khi nghe các cô đào ca vọng cổ. Ngoài ra, có thể liệt kê các dạng vai đào giả trai, giả lão vào cụm đào tính cách. Năm 1950, NSND Phùng Há đã học theo cách làm của cô Ba Viện, cô ruột GS-TS Trần Văn Khê, lập gánh hát Toàn Nữ ban, các nữ nghệ sĩ đã có cơ hội bộc lộ hết tài năng qua những vai đào tính cách.
Kiều Mai Lý cũng từng một thời chuyên trị các vai đào độc, đào lẳng rất thành công
Từ những năm 1960 đến nay, đời sống sân khấu cải lương trải qua nhiều thăng trầm đã hình thành một thế hệ vàng nữ nghệ sĩ “chuyên trị” các vai đào tính cách. Nhắc đến những vai đào lẳng, không thể không kể tới Mai Lan, Kiều Mai Lý, Tô Kiều Lan, Mỹ Chi, Bích Hạnh, Hoàng Vân, Kim Hà, Kim Hồng…; đào độc thì nghệ sĩ Kim Giác, Kim Phương, Ngọc Nuôi…; vừa diễn được đào độc, đào lẳng và cả đào mụ, phải nhắc đến NSND Ngọc Giàu, nghệ sĩ Hồng Nga, cố nghệ sĩ Kim Ngọc…
Nhìn lại ngày nay, vẫn có nhưng diễn viên trẻ tài năng tốt nghiệp ra trường nhưng lại chẳng có mấy ai có tố chất để diễn hoàn hảo những vai đào tính cách. Vì nhiều yếu tố khách quan nhưng nguyên nhân chính vẫn là thiếu sàn diễn để họ bộc phát sở trường. Kịch bản viết không còn yếu tố “đo ni đóng giày”, bên cạnh đó, mức thu nhập quá thấp cho dạng vai này cũng góp phần khiến các nữ diễn viên trẻ chỉ mặn mà với vị trí đào chính.
Đừng quên truy cập website nghecailuong.com mỗi ngày để xem các tin tức nghệ sĩ cải lương mới nhất nhé.